TikTok bị cấm ở nhiều quốc gia châu Á

04:54 17/05/2019

Thu thập thông tin trái phép, nội dung độc hại, gây chết người là các lý do khiến TikTok bị cấm ở Bangladesh, Indonesia và mới đây là Ấn Độ.

Ứng dụng video ngắn TikTok của Trung Quốc đã không còn hiển thị trên App Store hay Google Play ở Ấn Độ, sau khi bị tòa án nước này ra lệnh cấm. Đây được xem là thất bại tiếp theo cho nhà phát triển Bytedance, trong nỗ lực khai thác người dùng tại thị trường đông dân thứ hai thế giới.

Ấn Độ không phải là quốc gia châu Á đầu tiên cấm TikTok. Đầu tháng 7/2018, chính quyền Indonesia đã đưa ra lệnh cấm ứng dụng chia sẻ video ngắn này do chứa nhiều nội dung khiêu dâm và không phù hợp.

Đến giữa tháng 2/2019, TikTok tiếp tục bị cấm ở Bangladesh cũng như bị phạt 5,7 triệu USD ở Mỹ vì thu thập trái phép thông tin của người dùng là trẻ em.

TikTok đã bị cấm ở Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh.

TikTok đã bị cấm ở Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh.

TikTok là ứng dụng cho phép người dùng tạo và chia sẻ các video ngắn với những hiệu ứng đặc biệt, rất phổ biến ở Ấn Độ nhưng bị một số chính trị gia cho rằng nội dung của nó không phù hợp với văn hóa nước này. Đầu tháng 4, một tòa án ở miền nam bang Tamil Nadu đã yêu cầu chính phủ liên bang ra lệnh cấm TikTok vì nó khuyến khích nội dung khiêu dâm. Chính phủ liên bang sau đó đã gửi thư yêu cầu Apple và Google tuân thủ lệnh của tòa án liên bang, theo một quan chức của Bộ Công nghệ Thông tin Ấn Độ.

Trước đó vào ngày 17/10/2018, một người đàn ông 24 tuổi ở thành phố Chennai bị cáo buộc tự tử sau khi bị nhiều người dùng TikTok quấy rối vì đã đăng video mặc trang phục phụ nữ.

Ngày 22/2/2019, một sinh viên đại học bị chết còn hai người bạn của anh bị thương nặng, do vừa đi xe máy vừa thực hiện video để đăng TikTok và đâm vào một chiếc ô tô.

Còn ngày 13/4 vừa qua, một thanh niên 19 tuổi ở Delhi đã vô tình bị bạn mình bắn chết bằng súng lục khi cả hai đang dùng nó để quay video TikTok.

TikTok bị cấm ở nhiều quốc gia vì chứa nội dung độc hại hoặc ảnh hưởng đến giới trẻ.

TikTok bị cấm ở nhiều quốc gia vì chứa nội dung độc hại hoặc ảnh hưởng đến giới trẻ.

Google đã chặn quyền truy cập vào TikTok trên Google Play Store ở Ấn Độ hôm 16/4 và Apple thực hiện hôm qua 17/4. Trong một tuyên bố, Google cho biết họ tôn trọng và tuân thủ luật pháp địa phương. Apple không đưa ra bình luận nào. Phát ngôn viên của TikTok ở Ấn Độ cũng từ chối bình luận về việc gỡ bỏ ứng dụng.

TikTok đã được tải xuống hơn 240 triệu lần ở Ấn Độ, theo công ty phân tích ứng dụng Sensor Tower cho biết hồi tháng 2. Truyện cười, các clip và cảnh quay liên quan đến ngành công nghiệp điện ảnh Bollywood là nội dung thống trị trên nền tảng video ngắn ở quốc gia này. Bên cạnh đó là các video hát nhép và nhảy theo nhạc.

Nhà phát triển Bytedance đã kháng cáo và cho rằng lệnh cấm đi ngược lại quyền tự do ngôn luận. Lần xét xử tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 24/4. Trong hồ sơ kháng cáo, công ty lập luận chỉ một tỷ lệ rất nhỏ nội dung TikTok được coi là không phù hợp hoặc tục tĩu.

Bảo Nam (theo Reuters)

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang