Cuộc chiến Apple – Qualcomm tại Mỹ diễn ra như thế nào

04:57 17/05/2019

Apple và Qualcomm bắt đầu bước vào vụ kiện hàng chục tỷ USD tuần này tại San Diego, nhưng những mâu thuẫn đã được châm ngòi từ nhiều năm trước.

Cuộc chiến pháp lý giữa hai bên diễn ra trên nhiều “mặt trận” như Đức, Trung Quốc (một số phiên bản iPhone đã bị cấm bán ở hai nước này), nhưng lớn nhất và thu hút sự quan tâm nhất là vụ kiện từ ngày 15/4 tại San Diego (Mỹ) và dự kiến kéo dài 4-6 tuần với sự tham gia của cả hai CEO là Tim Cook bên Apple và Steve Mollenkopf bên Qualcomm.

“Kết quả không chỉ ảnh hưởng tới riêng hai hãng, mà còn tới chính sách bản quyền của Qualcomm với các công ty khác trên toàn cầu. Hàng chục tỷ USD trong vụ kiện này chỉ là một phần nhỏ mà hiệu ứng từ vụ kiện sẽ tạo ra”, Mark Patterson, Giáo sư tại Đại học Luật Fordham, nhận định trên CNN.

Ảnh: 9to5Macs.

Ảnh: 9to5Macs.

Cuộc chiến bắt đầu khi nào?

Apple đã dùng chip của Qualcomm từ nhiều năm, nhưng từ 2011, Qualcomm trở thành nhà cung cấp chip mạng độc quyền cho Apple với chức năng giúp iPhone kết nối tới các mạng di động.

Vì sao hai bên mâu thuẫn?

Một phần trong thỏa thuận giữa hai bên là Qualcomm sẽ chi cho Apple khoản tiền lên tới một tỷ USD mỗi năm với điều kiện hãng sản xuất iPhone phải dùng độc quyền chip của Qualcomm. Có nghĩa, Apple không được hợp tác với các nhà điều tra (về chống độc quyền) cũng như bắt tay với các nhà sản xuất chip khác, nếu không Apple phải hoàn số tiền trên.

Trong khi đó, bên cạnh việc trả tiền mua chip, Apple còn phải trả phí bản quyền cho các bằng sáng chế của Qualcomm trong việc hỗ trợ smartphone kết nối tới mạng Internet thông qua chip baseband.

Qualcomm thu phí 5% trên mỗi iPhone bán ra cho những công nghệ mà họ cung cấp. Tim Cook, từ khi còn là COO của Apple, đã không hài lòng với thỏa thuận trên và đề xuất chỉ trả 1,5 USD mỗi iPhone. Tuy nhiên, theo WSJ, khi đó Steve Jobs cho rằng các công ty nên tôn trọng công nghệ của nhau.

Sau này, khi Apple nâng giá iPhone, họ cảm thấy khó chấp nhận số phần trăm mà Qualcomm đòi hỏi. Apple bắt đầu trao đổi với một nhà sản xuất chip khác: Intel. Họ cũng làm việc với các nhà điều tra Hàn Quốc vốn đang xem xét các chính sách bản quyền của Qualcomm. Ngòi nổ được châm.

Qualcomm cho rằng Apple vi phạm thỏa thuận giữa hai bên, nên không trả số tiền một tỷ USD năm 2016 cho hãng sản xuất iPhone. Apple cũng từ chối trả phí bản quyền cho Qualcomm và từ tháng 7/2017, họ chuyển sang dùng chip Intel.

Hai bên đưa nhau ra tòa như thế nào?

Tháng 1/2017, Qualcomm bị Ủy ban Thương mại Mỹ FTC cáo buộc vi phạm nghiêm trọng luật cạnh tranh công bằng khi “mua chuộc” các công ty điện thoại, đặc biệt là Apple, dùng độc quyền chip của mình.

Ngay sau đó, Apple đệ đơn kiện, yêu cầu tòa buộc Qualcomm phải giảm phí bản quyền, đồng thời đòi một tỷ USD của năm 2016 mà Qualcomm chưa trả. Đây là số tiền được Apple khẳng định là hãng chip cố tình giữ lại để “trả đũa” vì Apple hợp tác với các nhà điều tra.

Trong khi đó, Qualcomm khẳng định những cáo buộc của Apple không có cơ sở, còn che giấu nhiều thông tin khác, cố ý nói sai về thỏa thuận. Họ cũng đáp trả bằng đơn kiện tố Apple vi phạm hợp đồng khi vừa không trả phí bản quyền, vừa bắt tay với Intel. Apple còn được cho là lấy cắp công nghệ của Qualcomm để cung cấp cho Intel.

Hai bên muốn gì?

Qualcomm cho biết Apple đang nợ 7 tỷ USD tiền bản quyền bằng sáng chế chip di động được sử dụng trên iPhone. Họ muốn đòi món nợ này cùng những thiệt hại mà Apple đã gây ra, với tổng số tiền bồi thường có thể lên đến 15 tỷ USD.

Trước phiên tòa lớn này, Qualcomm cũng đã được tòa án San Diego xử thắng khi yêu cầu Apple bồi thường 1,41 USD trên mỗi chiếc iPhone dùng chip Intel bán ra từ giữa năm 2017 đến mùa thu 2018 vì vi phạm 3 bằng sáng chế. Tổng số tiền phạt 31 triệu USD khá nhỏ khi so sánh với lợi nhuận hàng tỷ USD của Apple, nhưng việc thua kiện có thể buộc Apple phải chuyển sang sử dụng các modem khác hoặc thậm chí quay lại sử dụng sản phẩm của Qualcomm.

Trong khi đó, Apple và các đối tác sản xuất iPhone (như Foxconn và Compal) lại muốn được bồi thường 27 tỷ USD vì họ cho là đã bị tính phí bản quyền “một cách vô lý”. Sự “vô lý” này có thể kể đến như khi một chiếc iPhone bị hỏng và cần chuyển tới nhà máy Foxconn để sửa chữa, Qualcomm đòi 5% trong số tiền mà Foxconn thu của Apple để sửa thiết bị. Apple cho rằng đây là đòi hỏi bất hợp lý vì vấn đề chẳng liên quan gì tới linh kiện hay công nghệ của hãng.

Apple cũng muốn phí chip giảm xuống chỉ còn 1,5 USD trên mỗi iPhone thay vì 7,5 USD như hiện nay.

Vụ kiện ảnh hưởng gì tới người dùng iPhone?

Có hai thứ rõ ràng nhất là giá bán và kết nối 5G.

Nếu Qualcomm thắng, Apple có thể thể nâng giá iPhone cao hơn nữa. Ngoài ra, tương tự với 3G và 4G, Qualcomm đang nắm giữ những bản quyền quan trọng liên quan tới công nghệ chip di động, cho phép smartphone kết nối mạng 5G. Nếu chọn Intel, iPhone được cho là không hỗ trợ 5G cho tới ít nhất năm 2020, thậm chí muộn hơn. 

Trong cuộc phỏng vấn với Axios, Cristiano Amon, Chủ tịch Qualcomm, nói ông “không bình luận về những gì Apple đang làm, nhưng càng trì hoãn triển khai 5G, thách thức mà công ty phải đối mặt sẽ càng lớn”. Khi được hỏi liệu có khả năng Qualcomm sẽ hợp tác với Apple bất chấp vụ kiện dai dẳng giữa hai bên, ông Amon nói thẳng: “Chúng tôi vẫn ở San Diego, họ có số của chúng tôi. Nếu họ gọi, chúng tôi sẽ hỗ trợ”.

Nếu Apple thắng, chính sách bản quyền của Qualcomm sẽ phải thay đổi và tác động tới hàng loạt nhà sản xuất smartphone khác trên toàn cầu.

Châu An

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang