Tại Hội thảo quốc tế về An ninh mạng (Vietnam Security Summit 2019) ngày 17/4 tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định thế giới đang bước vào cuộc cách mạng số với những công nghệ mới như AI, Big Data, IoT, xuất hiện cơ hội để hình thành xã hội thông minh. Để tận dụng cơ hội của công nghệ số, các quốc gia phải thực hiện chuyển đổi số.
“Năm 2019, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia để xây dựng nền kinh tế số, xã hội số”, người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.
Ông cũng nhận định: “An toàn, an ninh không gian mạng là điều kiện cơ bản, yếu tố sống còn để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Sự thịnh vượng của chúng ta phụ thuộc vào Internet, nhưng Internet lại không an toàn. Làm cho Internet an toàn hơn là làm cho đất nước thịnh vượng hơn. Không gian mạng là tương lai của thế giới. Cường quốc an ninh mạng cũng giống như cường quốc quân sự trong thế giới thực”.
Bộ trưởng cho rằng Việt Nam có thể trở thành cường quốc an ninh mạng nhờ có nguồn nhân lực an ninh mạng vào loại tốt trên thế giới cùng với khát vọng dân tộc hùng cường và một giấc mơ lớn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Việt Nam có thể trở thành cường quốc an minh mạng. Ảnh: Mạnh Vỹ. |
Trong khi đó, theo ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Bkav, để trở thành cường quốc an ninh mạng cần đáp ứng hai yếu tố. Thứ nhất là có nguồn lực an ninh mạng tốt và trên thực tế, người Việt đã ghi dấu ấn trong nhiều vấn đề an ninh mạng trên thế giới. Thứ hai là có đầy đủ sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng cốt lõi như phòng chống mã độc, thiết bị tường lửa, chống tấn công DDoS, dịch vụ đào tạo, kiểm thử…
Đại tá Đỗ Anh Tuấn, Cục phó An ninh mạng, điều tra tội phạm công nghệ cao – Bộ Công an, lại đề cập tới việc Việt Nam nằm trong số những nước tăng trưởng người dùng Internet cao nhất thế giới. Tuy nhiên, tốc độ phát triển này kéo theo nhiều hệ lụy như các thông tin lệch chuẩn đạo đức, lừa đảo, cá độ, buôn bán vũ khí trên mạng… Ông cho rằng cần có giải pháp để ngăn chặn các thông tin xấu độc trên không gian mạng, hoàn thiện hệ thống chính sách, đặc biệt phải cụ thể hóa Luật An ninh mạng và đưa các văn bản liên quan xử lý các hành vi vi phạm trên mạng vào thực tiễn.
Cũng tại sự kiện, Bộ Thông tin và Truyền thông lần đầu công bố đánh giá mức độ bảo đảm an toàn thông tin mạng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước năm 2018.
Trong số 90 bộ ngành trung ương và địa phương được khảo sát, không có cơ quan nào được xếp loại A (mức cao nhất) nhưng cũng không có cơ quan nào bị xếp loại E (mức thấp nhất) về công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng. Chỉ có 15/90 cơ quan nằm ở mức B, chiếm 17%, trong khi loại C là 63 cơ quan (70%) và loại D là 12 cơ quan (13%).
Theo ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, có tới một nửa số cơ quan được khảo sát không có đơn vị, bộ phận chịu trách nhiệm về an toàn thông tin, chưa có một tổ chức, doanh nghiệp an ninh mạng tham gia giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp dẫn đến việc bị tấn công mạng mà không biết. Đa số đều lúng túng khi có sự cố an ninh mạng xảy ra.
“48,91% cơ quan tự đánh giá thiếu kinh phí cho an toàn thông tin, 29,93% cơ quan cho rằng lãnh đạo chưa quan tâm và 51,92% cơ quan tự đánh giá an toàn thông tin chưa được ưu tiên đúng mực”, ông Tiến nêu.
Cũng trong ngày 17/4, Cục An toàn thông tin và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cùng năm thành viên sáng lập gồm FPT, Viettel, VNPT, Bkav và CMC đã ký kết thành lập Liên minh “Xử lý mã độc và phòng chống tấn công mạng” nhằm tập hợp lực lượng để tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin phục vụ công tác đảm bảo an toàn thông tin quốc gia và cộng đồng người dùng Internet tại Việt Nam.