Trung Quốc dùng AI để xác định khách du lịch có hành vi xấu

05:03 17/05/2019

Những khách du lịch có hành vi xấu sẽ bị nhận dạng khuôn mặt để đưa vào danh sách đen, cấm sử dụng các dịch vụ công cộng.

Khách du lịch Trung Quốc từ lâu đã nổi tiếng với hành vi xấu, không chỉ ở nước ngoài mà ngay tại các trung tâm du lịch trong nước, thậm chí tại thủ đô Bắc Kinh. Đây cũng là đối tượng mới để chính quyền nước này áp dụng việc giám sát liên tục, thông qua công nghệ nhận diện khuôn mặt.

Theo các phương tiện truyền thông nước này, chính quyền Bắc Kinh đang xem xét lắp đặt camera nhận dạng khuôn mặt tại các điểm nóng về du lịch của thành phố và đưa vào danh sách đen những khách du lịch có hành vi xấu. Khách du lịch thiếu văn minh sẽ bị trừng phạt bằng cách hạn chế mua vé vào bảo tàng, công viên và các điểm du lịch khác.

Theo số liệu của Tổng cục du lịch Trung Quốc, gần 700 người đã được đưa vào danh sách đen về du lịch năm ngoái. Việc giám sát chặt chẽ các phần tử này được bắt đầu vào năm 2016 và bước đầu tỏ ra có hiệu quả.

Du khách có hành vi phản cảm, quấy rối sẽ bị cho vào danh sách đen của ngành du lịch. Ảnh National Illustration

Du khách có hành vi phản cảm, quấy rối sẽ bị cho vào danh sách đen của ngành du lịch. Ảnh National Illustration

Ngoài nhận dạng khuôn mặt, các biện pháp công nghệ khác cũng được sử dụng trong lĩnh vực bảo vệ và quản lý ngành kinh doanh du lịch. Đại học Vũ Hán từng nổi tiếng với hàng nghìn cây hoa anh đào. Kéo theo đó là rất đông khách du lịch tới đây chụp ảnh, nhiều người trong số đó không ngại rung lắc cây cối để có thể lấy được bức ảnh selfie với cánh hoa bay. Để giảm thiểu tình trạng này, trường đã tạo ra một bộ lọc dành cho ứng dụng TikTok, giả làm cảnh hoa anh đào rơi để phần nào ngăn thói quen xấu của du khách.

Đầu năm nay, một số nhà ga xe lửa đã bắt đầu thực hiện nhận dạng khuôn mặt để kiểm tra vé và cảnh báo các cơ quan đường sắt về những người vi phạm pháp luật trong danh sách đen của cảnh sát.

Trong khi đó, ở một số vùng của Trung Quốc, chính quyền địa phương sử dụng camera để chụp ảnh và nhận dạng khuôn mặt những người băng qua đường trái phép. Sau đó, họ hiển thị khuôn mặt những người này lên một màn hình lớn dựng ở ven đường. Một công ty lại tạo ra hệ thống nhận dạng khuôn mặt để quét và nhận diện những người tài xế chưa có bằng lái.

Trung Quốc là thị trường lớn nhất về công nghệ nhận dạng khuôn mặt trên thế giới, theo báo cáo của Gen Market Insight. Các camera tích hợp nhận diện khuôn mặt, dáng đi có mặt ở khắp mọi nơi. Bên cạnh việc đảm bảo an ninh, ngăn ngừa tội phạm, chúng cũng dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư và nhân quyền.

Bảo Nam (theo AbacusNews)

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang