Phần lớn TV trên thị trường hiện nay là SmartTV, có kết nối Internet, tích hợp các dịch vụ phát sóng trực tuyến. Bên cạnh việc chạy đua về số lượng chức năng, các nhà sản xuất cũng đang chạy đua về giá, đặc biệt là các thương hiệu giá rẻ như TCL, Vizio…
Tuy nhiên, ít người biết rằng một trong số những lý do đơn giản của việc SmartTV ngày càng có giá thấp là một số nhà sản xuất TV đang thu thập dữ liệu người dùng và bán cho bên thứ ba.
Dân Mỹ tranh nhau mua TV hạ giá trong dịp Black Friday. Ảnh Reuters |
Nếu không nhờ có các công ty này, người tiêu dùng sẽ khó có cơ hội tiếp cận được với những dòng TV kích thước lớn với bộ khung siêu mỏng, chất lượng hình ảnh ấn tượng và tích hợp các dịch vụ phát trực tuyến với giá cả phải chăng. Bởi nếu đi sâu vào chi tiết cấu thành, một chiếc SmartTV 65 inch độ phân giải 4K hỗ trợ HDR khó có thể mua được với giá dưới 500 USD như hiện nay. Mức giá này quá thấp so với các công nghệ đi kèm, ít nhất là khi so sánh với mặt bằng chung của thị trường.
Trên thực tế, mức giá này đi kèm với một lời cảnh báo mà hầu hết người dùng có thể không nhận ra. Đó là việc các nhà sản xuất sẽ thu thập dữ liệu người dùng để bán lại cho bên thứ ba. Dữ liệu này có thể bao gồm các loại chương trình hay quảng cáo họ thường xem, hoặc vị trí gần đúng của người dùng.
Một cuộc phỏng vấn hồi tháng Giêng, giám đốc công nghệ của Vizio, Bill Baxter, đã hé lộ một phần cách thức của các hoạt động này. “Đây là một ngành công nghiệp cắt cổ”, Baxter nói. “Một ngành công nghiệp có lợi nhuận 6%. Chiến lược tốt nhất hiện nay là không cần phải kiếm tiền từ việc bán TV”.
Nói cách khác, các công ty như Vizio không cần có lợi nhuận từ mỗi chiếc TV họ bán ra. Người tiêu dùng có thể được mua với giá gốc hoặc thấp hơn, bởi các nhà sản xuất sẽ kiếm tiền từ những chiếc TV đó thông qua việc thu thập dữ liệu, quảng cáo và bán các nội dung giải trí trực tiếp cho người tiêu dùng (phim, gameshow…).
Trên SmartTV, người dùng có thể giới hạn hoặc chặn nội dung quảng cáo, tùy theo nhà sản xuất. |
“Đây không chỉ là về thu thập dữ liệu. Đó là về việc kiếm tiền sau khi mua TV”, Baxter nói. “Bạn có thể bán phim, các chương trình truyền hình hay quảng cáo. Nó không thực sự khác biệt so với trang web”.
Ngay cả các công ty như Sony, nổi tiếng với các dòng TV cao cấp cũng đang tham gia vòa các hình thức kinh doanh bổ sung này. Bản cập nhật Android TV gần đây nhất của hãng đã đưa thêm một danh mục nội dung được tài trợ, hay chính là nội dung quảng cáo lên màn hình chính, theo Ars Technica.
“Không có dòng doanh thu đó”, Baxter nói, “Người tiêu dùng sẽ trả nhiều tiền hơn để sở hữu các sản phẩm này”.
Bảo Nam (theo Business Insider)